Activities

DN chọn đổi mới mô hình kinh doanh

, 10/09/2011, 11:46 GMT+7

(baodautu.vn) Những dự báo về tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2012, đòi hỏi các lãnh đạo doanh nghiệp phải có sự sáng tạo, đổi mới trong phương thức sản xuất - kinh doanh và đặc biệt là tái cấu trúc mô hình tăng trưởng.

 
Đó là ý kiến của đa số diễn giả và doanh nghiệp tham gia Hội nghị thường niên Việt Nam CEO Summit 2011 với chủ đề “Cơ hội vượt lên trong năm 2012: Góc nhìn của doanh nghiệp hàng đầu và doanh nghiệp tăng trưởng” tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm 2012, dự kiến sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan cho doanh nghiệp Việt Nam, như tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, xuất khẩu tăng 12% đạt 99,7 tỷ USD, nhập siêu dưới 16%, CPI thấp hơn 10%. Tuy nhiên, độ trễ của các chính sách kiềm chế lạm phát, hạn chế đầu tư công và lãi suất cao của năm 2011 sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang ở ngã ba đường, phải tái cơ cấu và cải cách mạnh, thì mới phát huy được tiềm năng của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và tăng trưởng. “Chính phủ cần cải cách tài chính công, đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đồng thời công khai minh bạch, tăng tính dự báo của các chính sách. Đối với doanh nghiệp, cần chú ý kiểm soát nhu cầu vốn, điều chỉnh thị trường để đề phòng rủi ro tỷ giá”, TS. Lê Đăng Doanh nhận định.

Đồng quan điểm, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Công ty Việt Nam Report cho biết, kết quả khảo sát 250 lãnh đạo doanh nghiệp thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) cho thấy, khi đánh giá về những nhân tố sẽ tác động nhiều nhất đến việc thay đổi hoặc cải thiện môi trường kinh doanh năm 2012, phần lớn doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến nhân tố chính là đổi mới về chiến lược sản phẩm, mô hình kinh doanh (chiếm tỷ lệ 22%).“Trong bối cảnh kinh tế trong nước và khu vực còn nhiều khó khăn, đa số các lãnh đạo trong cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đều ý thức được rằng, chỉ có năng lực của chính bản thân doanh nghiệp mới có thể giúp gia tăng sức cạnh tranh, tạo đà cho doanh nghiệp vượt qua những khó khăn và nắm bắt cơ hội mới”, ông Vũ Đăng Vinh nói.

Dưới góc độ nhà đầu tư, TS. Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa cho rằng, không chỉ trông chờ vào chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi mô hình quản trị để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp. “Nguồn vốn lưu chuyển trong thị trường đầu tư thế giới vào khoảng 4.500 tỷ USD mỗi năm. Các nhà đầu tư ở Singapore, Hồng Kông mà tôi tiếp xúc gần đây đều có nguồn vốn rất dồi dào và mong muốn làm ăn ở thị trường Việt Nam, nhất là ở các lĩnh vực mới, như nông nghiệp sạch, năng lượng, môi trường... ”, TS Alan Phan khẳng định. Tuy nhiên, bài toán mà TS. Alan Phan đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam khi muốn hút vốn đầu tư là phải minh bạch hóa báo cáo kế toán, xây dựng chiến lược kinh doanh, marketing và pháp lý theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ở một góc nhìn mới, ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho rằng, khủng hoảng cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp nhìn nhận quá trình đầu tư và phát hiện ra điểm yếu, cũng như thế mạnh của mình, vì có khá nhiều doanh nghiệp đang “làm trái nghề”. Ông Trương Đình Anh cũng đưa ra một khái niệm phát triển mới khá táo bạo là “second homeland” (ngôi nhà thứ hai) cho các doanh nghiệp và tập đoàn lớn của Việt Nam. “Doanh thu của FPT mỗi năm vào khoảng 1,3 tỷ USD và đang dần bão hòa tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đang xây dựng chiến lược đầu tư ra nước ngoài tại một số quốc gia có nhiều tiềm năng như Lào, Campuchia, Cuba... để tối ưu hóa các nguồn lực về công nghệ, vốn và nhân lực của FPT”, ông Trương Đình Anh cho biết thêm.

                                                                                                                                                                                         Quang Duy